Vai trò của âm nhạc trong phụng vụ
Giáo Hội nhìn nhận vị trí quan trọng của âm nhạc trong đời sống con người, và ngay từ đầu Giáo Hội đã cho phép sử dụng âm nhạc trong các cử hành phụng vụ của mình. Thực ra khi đón nhận âm nhạc trong các cử hành phụng vụ Giáo Hội không chủ trương dùng âm nhạc như phương tiện giải trí hay cách thư giãn sau khi làm việc, như trong các câu lạc bộ vẫn quen tổ chức. Nhưng âm nhạc dùng trong phụng vụ có vai trò khác: nó giúp con người cầu nguyện và là trợ tá cho các cử hành phụng vụ (TĐ 27). Vì vậy, âm nhạc không lấn át các cử hành phụng vụ, nhưng trợ giúp và làm cho các cử hành trở nên trang trọng, hân hoan, nó giúp con người hướng lên cùng Thiên Chúa, chứ không làm ngược lại bằng cách lội kéo và hướng chú ý của con người về chính mình. Để đạt tới mục đích cao trọng của Thánh nhạc là: “Tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá tâm hồn các tín hữu”.
Vì giúp con người cầu nguyện do đó âm nhạc phải mang tính chất tôn giáo. Giáo Hội chỉ chấp nhận các loại âm nhạc mang nội dung tôn giáo với các giai điệu thích hợp để giúp cầu nguyện. Có những bài nhạc thích hợp trong các buổi tiếp tân hay các dịp lễ hội trần thế nhưng không thể đem vào phụng vụ. Có những bài hát thân quen trong quần chúng, khi hát lên ai cũng biết nội dung muốn nói gì, nhất là những nội dung khó chấp nhận trong trong cử hành tôn giáo, thì không thể mượn nhạc rồi dệt lời tôn giáo để hát trong phụng vụ, đó là sự vay mượn giả tạo. (vd: Love Story, hay gần đây có chuyện một số nhạc sĩ trong nước sao chép nhạc nước ngoài).
Có những điệu nhạc rất thịnh hành và “ăn khách” trong xã hội nhưng không thể đem vào phụng vụ vì nó phá vỡ bầu khí trang nghiêm của buổi cầu nguyện…
Giáo Hội trân trọng các nền văn hóa địa phương, trong đó âm nhạc dân tộc là một trong những tinh hoa làm nên nền văn hóa đó (TĐ 66) (vd: bộ lễ thương xót và Vinh danh được phổ nhạc theo làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, hay Bộ Dâng hoa tháng Đức Mẹ).
Tại Việt Nam, nền âm nhạc dân tộc đang được phục hồi, nhưng việc hội nhập nền âm nhạc này trong phụng vụ còn rất khiêm tốn (vd: Một số bài ca dâng lễ…). Trong viễn cảnh này, các nhạc sĩ công giáo cần có một hướng đi chung để có thể sáng tác các bài ca tôn giáo được dùng trong phụng vụ với sắc thái dân tộc Việt Nam.
Mọi bài hát, dù mang sắc thái gì cũng phải được thẩm quyền Giáo Hội cho phép mới được sử dụng trong phụng vụ. Người ta cũng không được nại lý do “thử nghiệm” để hát các bài ca chưa được cho phép.
Để giúp cộng đoàn cầu nguyện, người ta cần nắm vững những yêu cầu cơ bản của thánh nhạc như: thánh ca cộng đoàn, người điều khiển, ca đoàn và âm nhạc.
Thánh ca cộng đoàn: là bài ca mà toàn thể cộng đoàn phụng vụ có thể cùng hát. Bài ca này chiếm vị trí ưu tiên hàng đầu trong các bài ca của phụng vụ kitô giáo. Thánh ca cộng đoàn gồm hai loại:
- Loại thứ nhất gồm các bài thánh ca được cộng đoàn hát trọng vẹn. Loại này thường gồm các bài thánh ca ngắn, dễ hát, phổ thông đối với các cộng đoàn lớn, hoặc những bài thánh ca phức tạp hơn với các cộng đoàn nhỏ, ít người. Loại thánh ca cộng đoàn này được ưu tiên hàng đầu, do đó, khi một bài thánh ca mà mọi người có thể hát, người ta phải để cộng đoàn hát, không nên dành riêng cho một nhóm nhỏ hay người nào độc quyền.
- Loại thứ hai: gồm từng phần hoặc điệp khúc của một bài ca được cộng đoàn hát đối đáp với ca đoàn hay người xướng viên. Thông thường đó là các lời tung hô hay đối đáp ngắn như: Alleluia, câu hát đáp ca, câu đáp trong các lời cầu, kinh thương xót, kinh vinh danh, Thánh Thánh Thánh, kinh tưởng niệm, Chiên Thiên Chúa… hoặc một điệp khúc của bài ca nhập lễ, tiến lễ, hiệp lễ hay tạ ơn…