Suy tư phụng vụ Mùa Chay của LM Trần Lưu Huynh

Suy Tư Phụng Vụ Mùa Chay

Thông thường việc giữ chay của các tín hữu trong Mùa  Chay hàng năm được gán cho nhiều ý nghĩa: nào là chay tịnh để kìm hãm một nhu cầu mạnh nhất trong con người, đó là ăn uống để sinh tồn, nhờ đó có thể tiến mạnh hơn trên con đường tu thân tích đức; nào là ăn chay để kinh nghiệm được sự đói khát, nhờ đó có thể cảm thông và chia sẻ với những người túng thiếu, nghèo khổ, yếu đau đang cần đến sự trợ giúp của mình; nào là ăn uống kham khổ để tiết kiệm được khoản tiền để đóng góp vào chương trình bác ái, từ thiện.

Ăn chay để tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc sống con người không chỉ lo làm lụng để cung phụng cho thân xác và đời sống vật chất, nhưng còn để hướng lên những mục đích tối thượng thiêng liêng. Tất cả những ý nghĩa đó của việc ăn chay có những yếu tố rất tích cực đáng suy nghĩ và thực hành. Nhưng còn một ý nghĩa khác rất quan trọng, đó là ăn chay để tập trung tư tưởng, nhờ đó khám phá hình ảnh nòng cốt của chính mình và của tha nhân: đó là hình ảnh Thiên Chúa tiềm ẩn nơi mỗi người.

Bốn mươi ngày Mùa Chay cũng nhằm chuẩn bị cho chúng ta sống Mầu nhiệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, nhớ lại cái chết và biến cố Phục Sinh của Người, đồng thời cũng nhắc cho chúng ta bốn mươi ngày Chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện trước khi công khai truyền đạo, để mạc khải sứ mệnh cứu thế cho nhân loại. Trong mùa này Hội Thánh muốn con cái mình đón nhận hồng ân cứu độ với một tấm lòng quảng đại đặc biệt. Vì thế, Hội Thánh rất chú ý lắng nghe những lời Chúa Giêsu loan báo Nước Thiên Chúa :lời cuối cùng là chính cái chết trên thập giá của Người để làm hy lễ giao hòa chúng ta với Thiên Chúa.

Mỗi khi mùa Chay đến, chúng ta thường nghĩ đến chuyện ăn chay, sám hối, nghĩ đến việc cảnh tỉnh chính mình, vì đó cũng là một đòi hỏi nội tại của những kẻ ở trong hàng ngũ những người tội lỗi. Tội lỗi đã đẩy đưa chúng ta vào thân phận nô lệ; Lời Chúa và ơn thánh của Người qua các Bí Tích sẽ trả lại chúng ta quyền tự do của con cái Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxico đã nhắc nhở chúng ta ngay từ đầu mùa Chay này: “Mùa Chay là đi từ hoàn cảnh nô lệ đến tự do.” Sống trong mùa phụng vụ này, dưới ánh sáng Lời Chúa và giáo huấn của giáo hội là thời thuận tiện để cho mọi người sám hối, vì đó là lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2; Mc 1,4; Mt  4,17; Mc 1,15).

Nhưng sám hối như thế nào đây?

Tất nhiên chúng ta cũng phải lo buồn, phàn nàn, trách mình, đau đớn khi thấy mình có những sai sót lỗi lầm đối với Chúa và tha nhân. Cũng cần có những giảm bớt về ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi, giải trí v.v…Chúng ta cũng cần xem xét lại cuộc đời của mình, vì nếu không thì cuộc đời của chúng ta sẽ trôi theo nhịp sống tự nhiên vốn dễ lầm đường lạc lối, khó có dịp cho chúng ta hồi tâm tỉnh ngộ. Những công việc ngổn ngang, những mối bận tâm này khác đã như cuốn chặt cuộc đời chúng ta rồi, nên phải có một thời gian hồi tâm để xếp lại cấp bậc các giá trị và củng cố lý tưởng của những người tin theo Chúa, để rồi từ đó tạo được mối tương quan đích thực giữa Thiên Chúa và con người. Đây là mối tương quan có tính cách  cá nhân được diễn ra giữa một bên là con người hết lòng trở về với Chúa và một bên là Thiên Chúa hằng sống lên tiếng kêu mời. Nhờ mối liên hệ này mà Thiên Chúa là Chúa của Israel và Israel là dân của Người. Sám hối đích thực là trở về với Chúa, là làm thế nào để Chúa thật là của mình. Vì vậy để cụ thể hóa mối liên hệ này, cần thực hiện 3 việc: Vâng theo thánh ý Chúa – Tín nhiệm hoàn toàn vào Chúa – Từ bỏ con đường xấu.

Bây giờ mùa Chay ít nhấn mạnh đến việc kiêng bớt bên ngoài, mà chú trọng đến việc thay đổi bên trong và thực hành những cử chỉ có tính cách liên đới xã hội như chia sẻ thời giờ, tiền bạc, phẩm vật, công sức với những người không có hay có ít hơn hoặc làm những công việc phục vụ có ích chung cho nhiều người. Cụ thể là siêng năng xưng tội, rước lễ, ngắm nguyện trong mùa Chay, cố gắng hơn để giữ hòa khí trong gia đình, trong làng xóm và cố gắng tối đa để bớt trở thành gánh nặng cho nhau cả về vật chất lẫn tinh thần.

Hiểu và sống trọn vẹn ý nghĩa, mục đích mùa Chay, chúng ta càng thấm thía giáo huấn của Thánh Giacôbê : “Ai cho mình là đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão. Lòng đạo đức tinh tuyền và không tì ố trước mặt Thiên Chúa là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân và giữ mình cho khỏi vết nhơ của trần gian.” (Gc 1,26-27). Xin Chúa cho mùa Chay này thật sự trở nên mùa hồng ân cho tất cả chúng ta.

Nhà Tĩnh dưỡng linh mục Phát Diệm, 01-3-2017

Phaolô Trần Lưu Huynh
             Linh mục